Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên đang là những thách thức lớn mà thế giới phải đối mặt. Để hướng tới một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, việc đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về bảo vệ môi trường là vô cùng cấp thiết. Ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu về quản lý và cải thiện môi trường mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, góp phần xây dựng một tương lai xanh cho đất nước.
1. Môi trường – Vấn đề nóng trong sự phát triển hiện nay
Với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng, môi trường đang trở thành một vấn đề nóng được toàn cầu quan tâm. Tại Việt Nam, các thành phố lớn đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, nước và chất thải. Các nguyên thủ quốc gia, doanh nghiệp và người dân đã nhận thức rõ hơn bao giờ hết về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Các chính sách thân thiện với môi trường, doanh nghiệp hướng tới ích xanh, và những sáng kiến giảm thiểu khí thải nhà kính đang được đầu tư mạnh mẽ.
Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí. Chưa kể, mỗi năm các khu công nghiệp trên cả nước phát sinh 550.000 tấn chất thải nguy hại. Nhiều khu công nghiệp trên cả nước chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Trước thực trạng này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Chiến lược này đặt mục tiêu kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để thực hiện các mục tiêu trên, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực môi trường được đặc biệt chú trọng. Chính phủ đã đề ra các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường và sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế chất thải và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Trong bối cảnh đó, ngành Môi trường Ứng dụng trở thành một trong những ngành nghề quan trọng, giúp cung cấp giải pháp kỹ thuật để bảo vệ và phát triển môi trường bền vững.
2. Tố chất cần thiết cho ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng
Khoa học Môi trường Ứng dụng là một ngành học tập trung vào việc nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới nhất để giải quyết các vấn đề môi trường. Khác với những ngành học lý thuyết thuần túy, Khoa học Môi trường Ứng dụng kết hợp giữa khoa học, kỹ thuật và quản lý để tạo ra những giải pháp thực tiễn nhất. Vì thế những người theo học ngành Môi trường Ứng dụng cần những tố chất sau:
- Tính tự giác và trách nhiệm: Nhận thức sâu sắc về tác động của con người đối với môi trường.
- Kỹ năng phân tích và đánh giá: Hiểu rõ nguyên nhân và hậu quả của các vấn đề sinh thái.
- Tính đổi mới và thích ứng: Sẵn sàng học hỏi và áp dụng công nghệ mới.
- Kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp: Hợp tác với nhiều bên liên quan trong quá trình bảo vệ môi trường.
Với những tính chất trên, sinh viên theo học ngành này sẽ có cơ hội nghề nghiệp rộng mở và góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững.
3. Cơ hội nghề nghiệp
3.1. Lĩnh vực công
(1) Nghiên cứu – giảng dạy: sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể theo học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Sau đó tham gia vào công tác nghiên cứu và giảng dạy tại các cơ sở đào tạo giáo dục, học viện,…
(2) Tư vấn, quản lý, giám sát môi trường
- Kỹ thuật viên, nghiên cứu viên, cán bộ kiểm soát chất lượng, cán bộ phụ trách an toàn, sức khỏe và môi trường, chuyên viên tại các phòng thí nghiệm phân tích và quan trắc.
- Chuyên viên, kỹ thuật viên, cán bộ chuyên trách tại các cơ quan nhà nước phụ trách về quản lý và bảo vệ môi trường cũng như an toàn lao động.
- Chuyên viên, cán bộ chuyên trách về vấn đề môi trường và an toàn lao động tại các tổ chức trực thuộc nhà nước
3.2. Lĩnh vực phi chính phủ và tư nhân
- Kỹ thuật viên, chuyên viên, nghiên cứu viên, cán bộ kiểm soát chất lượng, quản lý, cán bộ phụ trách sức khỏe, an toàn và môi trường tại các công ty trong và ngoài nước, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ như công ty chuyên trách tư vấn, thiết kế, thi công, giám sát và quản lý môi trường
- Chuyên viên bộ phận chiến lược (sông ngòi và biển, đo đạc thực địa trong lĩnh vực môi trường, thủy văn và hải dương học, đo lường và giám sát các thông số vật lý và hoá học của nước cho các mục đích môi trường; mô hình số ; quan sát vệ tinh và các ứng dụng tích hợp quản lý không gian và lập kế hoạch) của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) hoạt động trong lĩnh vực môi trường
- Kỹ thuật viên, chuyên viên, cán bộ phụ trách sức khỏe, an toàn và môi trường trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp về môi trường, đặc biệt là môi trường nước