Tầm quan trọng của Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo
Trong bối cảnh hiện nay khi nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt và được thay thế bằng nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối…), thì nguồn năng lượng này trở thành một trong những vấn đề rất được quan tâm tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
Tại Việt Nam, do sở hữu đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nền kinh tế nông nghiệp mạnh, nên có điều kiện đa dạng, dồi dào cho khai thác, sản xuất điện gió, điện mặt trời, nhiên liệu sinh học. Do vậy, trong Chiến lược Phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, năng lượng tái tạo được xác định là là một trong ba lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt ưu tiên.
Nắm bắt được xu hướng đó, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội ( USTH, Đại học Việt Pháp) đã mở chương trình cử nhân Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo giảng dạy 100% bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có khả năng làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ/thiết bị, đáp ứng chiến lược phát triển nền công nghiệp năng lượng tái tạo.
Chương trình cung cấp những kiến thức cập nhật về kỹ thuật điện, các công nghệ và kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đồng thời thời trang bị các kiến thức trong việc quản lý và sử dụng các nguồn năng lượng một cách hiệu quả.
Ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo học gì ở USTH?
Điểm nổi bật của chương trình tại USTH là đào tạo bám sát nhu cầu tuyển dụng thực tế của các doanh nghiệp. Trường đã xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức danh tiếng trong nước và quốc tế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như Tập đoàn Artelia, GreenID Việt Nam, Phòng thí nghiệm G2Elab (Đại học Grenoble Alpes), Đại học Toulouse III, Trung tâm Hợp tác quốc tế về Nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD, Pháp), Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về phát triển môi trường (CIRED) thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS)… để mang đến cho sinh viên cơ hội cọ xát, tiếp cận với những công nghệ mới, kiến thức mới trong lĩnh vực năng lượng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Với phương châm “học đi đôi với hành”, chương trình học của USTH áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến, kết hợp với các bài thực hành được thiết kế chuyên sâu củng cố lý thuyết trên lớp. Sinh viên có cơ hội thực hành tại phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế CleanED của Trường với hệ thống trang thiết bị tân tiến. Phòng thí nghiệm này được thành lập dưới sự hợp tác giữa 2 trung tâm nghiên cứu CIRED/CNRS và CIRAD, giữa Pháp và USTH, là nơi triển khai các dự án nghiên cứu quan trọng liên quan đến sự phát triển xanh, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững của Việt Nam.
Bên cạnh đó, để giúp sinh viên ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo sớm tiếp cận với các công nghệ mới và học cách phân tích, đánh giá việc sử dụng hiệu quả năng lượng, Trường đã tiến hành lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 15kWp tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phục vụ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu.
Ngoài ra, trong quá trình học, sinh viên ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo USTH không chỉ được đi thực tập tại các công ty, doanh nghiệp tại Việt Nam, mà còn có cơ hội thực tập tại các đơn vị danh tiếng nước ngoài. Trong đó có thể kể ra như: Phòng thí nghiệm G2Elab, Đại học Grenoble Alpes, Pháp – nơi được coi là “thủ đô ngành điện” của Pháp hay Đại học Mahasarakham, Thái Lan với phòng thí nghiệm chuyên sâu về năng lượng sinh khối…
Ngoài kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, sinh viên còn được trang bị các khả năng phản biện, giải quyết vấn đề linh hoạt cùng kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm để hòa nhập, thích nghi nhanh trong môi trường làm việc chuyên nghiệp quốc tế.
Học ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo ra trường làm gì?
Lĩnh vực năng lượng nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung ở cả Việt Nam và trên thế giới luôn trong tình trạng “khát” nhân lực, qua đó mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên USTH tại:
- Các nhà máy điện, các công ty truyền tải và phân phối điện; các công ty tư vấn, thiết kế và xây lắp hệ thống điện, hệ thống năng lượng tái tạo như Artelia, VNEEC, GreenViet…
- Các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử dụng năng lượng; các tổ chức phi chính phủ liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, phát triển bền vững như GreenID, GIZ, Netherlands, USA…
- Các trường đại học, các viện và trung tâm nghiên cứu như Trung tâm Tư vấn năng lượng (VECC), Viện Khoa học năng lượng, Viện Nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa…
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên USTH cũng có thể tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi bằng cấp sang các ngành lân cận, hoặc học lên bậc cao hơn trong ngành năng lượng và các ngành khác thuộc khối ngành kỹ thuật, như chương trình Thạc sĩ ngành Năng lượng ngay tại USTH. Rất nhiều sinh viên USTH đã nhận được học bổng toàn phần thực tập chương trình thạc sĩ Năng lượng tại Pháp.