Sinh viên tốt nghiệp ngành môi trường cần được trang bị kiến thức và kỹ năng gì để đón nhận những cơ hội nghề nghiệp phong phú trong bối cảnh các nước đang tập trung nguồn lực để giải quyết vấn nạn ô nhiễm đất, nước, không khí, trong đó có Việt Nam?
1. Cơ hội cho nhân sự chất lượng cao ngành môi trường
Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm đất, nước, không khí ngày càng trầm trọng. Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, mỗi năm cả nước sử dụng 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại trong khi việc xử lý chất thải, nước thải còn rất hạn chế.
Trong khi đó, báo cáo năm 2019 của Unicef cho biết tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam đang đứng TOP 5 các quốc gia có lượng rác thải đổ ra sông, ra biển nhiều nhất thế giới hiện nay, chỉ sau Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Thái Lan.
Không chỉ vậy, chỉ số ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh liên tục tăng cao, có những thời điểm được cảnh báo ở ngưỡng nguy hại cao nhất (số liệu từ tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual).
Để phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế song hành với bảo vệ môi trường, Việt Nam rất cần có đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia và kỹ sư chất lượng cao, có khả năng phân tích, đánh giá, dự báo ô nhiễm sớm cũng như ứng dụng khoa học và công nghệ để giải quyết các vấn đề thực tế.
Ngoài ra, Việt Nam là một trong những nước đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Việc đối phó với biến đổi khí hậu rất cấp thiết và đòi hỏi sự tham gia của nguồn nhân lực không chỉ có chuyên môn vững vàng về môi trường mà còn có khả năng hợp tác hiệu quả trong môi trường quốc tế.
Hiện nay, không chỉ các tổ chức nghiên cứu, cơ quan nhà nước, các công ty cấp thoát nước, doanh nghiệp tư vấn hay các tổ chức phi chính phủ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ mà cả các nhà máy sản xuất, các khu công nghiệp đều thiếu đội ngũ nhân viên, kỹ sư để vận hành các quy trình, công nghệ hiện đại xử lý chất thải trước khi ra môi trường. Chính vì lẽ đó, triển vọng nghề nghiệp cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này vẫn rất rộng mở.
2. Ngành Nước – Môi trường – Hải dương học là gì?
Môi trường là một trong những ngành học truyền thống và lâu đời của nhiều trường đại học tại Việt Nam với hai hướng chính: khoa học môi trường và kỹ thuật môi trường. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành này bằng tiếng Anh và theo chuẩn quốc tế, phù hợp với xu hướng và công nghệ của thế giới. Một trong số đó phải kể đến trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH – Đại học Việt Pháp) với chương trình Nước – Môi trường – Hải dương học.
Theo học khoa Nước – Môi trường – Hải Dương học, sinh viên sẽ được đào tạo theo chương trình tiên tiến với các giảng viên, nhà khoa học giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường. Chương trình học được hỗ trợ xây dựng và tư vấn bởi các trường đại học và viện nghiên cứu uy tín của của Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực môi trường.
Với thời gian đào tạo 3 năm, theo tiến trình châu Âu, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng cần thiết để tiếp cận và nghiên cứu những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay như biến đổi khí hậu, ô nhiễm công nghiệp và nông nghiệp cho đất, nước, không khí cũng như các công cụ quản lý, đánh giá tác động, các kỹ thuật và công nghệ ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm thông qua các biện pháp sinh-lý-hóa học.
Sinh viên không chỉ được học lý thuyết gắn liền với thực tế ngay trong phòng thí nghiệm mà còn tham gia chương trình thực địa tại các địa điểm như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; Nhà máy thủy điện Nam Theun 2 (Lào); Nhà máy xử lý nước KCN Bắc Thăng Long,… Đặc biệt, tại USTH, sinh viên Nước – Môi trường – Hải dương học còn có cơ hội tham gia dự án nghiên cứu cùng các giảng viên giàu kinh nghiệm. Đây là hình thức học tập nhằm giúp sinh viên có cơ hội “cọ xát” với thực tế, rèn luyện kiến thức chuyên môn, kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm để chuẩn bị cho hành trang sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, với mạng lưới đối tác rộng khắp, sinh viên theo học ngành này sẽ có cơ hội tham gia chương trình trao đổi học thuật với các trường đại học tại châu Âu như Trường Vilnius Gediminas Technical (Lithuania). Theo thống kê, 60% sinh viên ngành Nước – Môi trường – Hải dương học được đi thực tập nước ngoài tại các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm liên quan đến môi trường như Trường đại học Limoges (Pháp), Đại học Tours (Pháp), Học viện Giáo dục Công nghệ Alexander (Hy Lạp).
Hơn nữa, trong quá trình học, sinh viên sẽ được rèn luyện kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, viết báo cáo cũng như tác phong làm việc chuyên nghiệp, khả năng thích nghi linh hoạt để sẵn sàng gia nhập môi trường học tập và làm việc quốc tế.
3. Sinh viên ngành Nước – Môi trường – Hải dương học ra trường làm gì?
Tốt nghiệp ngành Nước – Môi trường – Hải dương học tại USTH, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ để đảm nhiệm các vị trí sau:
- Nhân viên nghiên cứu, phát triển, thẩm định… tại các cơ sở, công ty, tập đoàn, phi chính phủ về lĩnh vực môi trường.
- Chuyên viên môi trường đảm nhiệm công việc kiểm soát, phân tích, xây dựng hệ thống đánh giá, đảm bảo hệ sinh thái tại khu nghỉ dưỡng.
- Chuyên viên quan trắc chất lượng, xử lý nước thải, xây dựng, thiết lập quy trình xử lý nước, bảo vệ môi trường tại các công ty nước.
- Chuyên viên, nghiên cứu viên tại các đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực môi trường như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam như Viện hải dương học tại Hải Phòng, Nha Trang…
Đặc biệt, chương trình thạc sĩ quốc tế của khoa Nước – Môi trường – Hải dương học với bằng đôi Việt – Pháp cùng các trường đại học danh tiếng của Pháp cũng là một sự lựa chọn uy tín cho những sinh viên mong muốn tiếp tục học lên bậc sau đại học. Với lợi thế chương trình đào tạo đạt chuẩn và khả năng tiếng Anh thành thạo, sinh viên tốt nghiệp có tiềm năng trở thành ứng viên của các học bổng toàn phần do các trường đại học hay các tổ chức trao tặng như học bổng Excellence của chính phủ Pháp, học bổng Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu,…