1. GIỚI THIỆU CHUNG
Hiện nay, nước ta đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ y khoa. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết này, Trường Đại học Việt – Pháp (USTH) đã xây dựng chương trình Cử nhân Khoa học và Công nghệ Y khoa tiên tiến (MST) gồm 2 định hướng đào tạo: Khoa học Y sinh (Biomedical Sciences) và Kỹ thuật Y sinh (Biomedical Engineering). Cử nhân ngành MST sẽ là các nhà kỹ thuật, chuyên gia, nhà phát triển công nghệ y khoa có trình độ cao, có khả năng nghiên cứu – phát triển các giải pháp khoa học y sinh tối ưu trong phát hiện và điều trị bệnh (theo hướng Khoa học Y sinh) hoặc tích hợp kiến thức về nguyên lý sinh học, kỹ thuật y sinh, điện tử y sinh, y học tái tạo, khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo để nghiên cứu – phát triển thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng, dụng cụ và trang thiết bị y tế nhằm hỗ trợ chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, cải thiện, và bảo vệ sức khỏe con người (theo hướng Kỹ thuật Y sinh). Chương trình cử nhân MST theo hệ thống đào tạo chuẩn Châu Âu (LMD) trong 3 năm học, bao gồm 6 học kỳ (180 ECTS, trong đó có 4 – 6 tháng thực tập tại các phòng thí nghiệm lâm sàng / nghiên cứu y sinh).
Mục lục
2. ĐỊNH HƯỚNG ĐÀO TẠO
2.1. Khoa học y sinh (BMS)
A/ Mục tiêu đào tạo
Khoa học y sinh là hiểu biết về những quá trình cơ bản của cuộc sống, nghiên cứu về cấu trúc và chức năng cơ thể của con người và mối liên hệ tới sức khỏe và bệnh tật từ đó áp dụng kiến thức này vào nhiều khía cạnh của y học. Mục tiêu của hướng đào tạo BMS là tìm hiểu các cơ chế gây bệnh hướng tới chẩn đoán, phát hiện và điều trị bệnh. Trọng tâm kiến thức sẽ là nâng cao sự hiểu biết về sức khỏe của con người, từ cấp độ phân tử đến các hệ thống sinh vật: cách các tế bào, cơ quan và hệ thống hoạt động trong cơ thể con người trong tình trạng khỏe mạnh và bệnh tật. Khoa học y sinh sẽ giải đáp các hiện tượng thực tế cũng như đưa ra các giả thuyết và mô hình mô tả các hiện tượng sinh học và lâm sàng. Các tổ hợp môn học cốt lõi bao gồm sinh học tế bào, miễn dịch học, huyết học, hóa sinh, giải phẫu-sinh lý học, sinh học phân tử, vi sinh y học, sinh học ung thư, tế bào gốc, chỉ thị phân tử và y học phân tử. Những kiến thức này sẽ cho phép sinh viên làm việc trong lĩnh vực y sinh góp phần phát triển các liệu pháp và phương pháp tiếp cận mới nhằm cải thiện sức khỏe con người.
B/ Kỹ năng và Chuẩn đầu ra
Học sinh theo học BMS sẽ có khả năng:
- Tích hợp nền tảng kiến thức từ các môn học cốt lõi để hiểu biết về nguồn gốc và cơ chế bệnh, bằng cách nào chúng gây ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng bình thường của cơ thể con người, và làm thế nào để duy trì sức khỏe;
- Có hiểu biết cơ bản về điều tra, chẩn đoán, phòng ngừa, cách tiếp cận điều trị và giám sát bệnh, cũng như phát triển các sản phẩm từ nghiên cứu y sinh;
- Giải thích các hiện tượng khoa học y sinh ở nhiều cấp độ khác nhau (từ mức độ phân tử đến tế bào, cơ quan và hệ thống chức năng) trong cơ thể con người khi khỏe mạnh và bệnh tật;
- Có trình độ kỹ thuật và kỹ năng thực tế, chuyên nghiệp phù hợp trong lĩnh vực khoa học y sinh;
- Nhận thức các phương pháp phòng thí nghiệm hiện tại để điều tra, phát hiện và điều trị các bệnh cụ thể cũng như tích hợp kiến thức và hiểu biết về các chiến lược trị liệu khác nhau để phát triển và đánh giá các phương pháp mới áp dụng cho các tình trạng bệnh;
- Có tinh thần trách nhiệm cao và đạo đức nghề nghiệp trong các tình huống kỹ thuật;
- Làm việc độc lập cũng như làm việc nhóm một cách chuyên nghiệp và hoạt động hiệu quả như các chuyên gia trong lĩnh vực y sinh.
Kết quả học tập được xây dựng theo 4 cấp độ gồm:
- Cấp 1: Nhận thức – Mô tả
- Cấp 2: Hiểu biết – Giải thích
- Cấp 3: Áp dụng – Phân tích
- Cấp 4: Thiết kế, Phát triển, Sáng tạo và Đánh giá
C/ Cơ hội nghề nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội làm việc tại các phòng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm y sinh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (công nghệ sinh học y tế, dược phẩm sinh học, phát triển thuốc) cũng như làm việc trong các phòng thí nghiệm lâm sàng, y sinh, di truyền và pháp y, viện nghiên cứu y sinh; kinh doanh, chuyên gia về dịch vụ y tế công cộng; tư vấn trong các tổ chức hoạch định chính sách y sinh, quản lý / tư vấn trong các công ty y sinh, tổ chức phi chính phủ (NGO) hoặc các công ty luật trí tuệ trong lĩnh vực y sinh; theo đuổi chương trình nghiên cứu sau đại học về khoa học y sinh.
2.2. Kỹ thuật y sinh
A/ Nội dung và Mục tiêu đào tạo
Ngày nay, phát triển của các thiết bị và dụng cụ y tế công nghệ cao như máy khử rung tim, dụng cụ nội soi, thiết bị hình ảnh y tế (máy quét PET / CT, MRI, siêu âm), robot và tự động hóa là rất cần thiết để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh và phục hồi chức năng, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả điều trị y tế. Vì vậy, mục tiêu đào tạo Kỹ thuật y sinh sinh (BME) là hướng đến cải thiện hệ thống chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người thông qua việc ứng dụng các công nghệ y tế tiên tiến nhất. Định hướng đào tạo BME sẽ cung cấp cho sinh viên kiến thức rộng, liên ngành trong lĩnh vực kỹ thuật và khoa học y sinh được áp dụng trong các hệ thống và trang thiết bị y sinh. Chương trình BME là sự tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực liên quan gồm Sinh học, Vật lý, Hóa học, Điện tử, Robot, Khoa học Vật liệu, Xử lý Tín hiệu và Hình ảnh, và Khoa học Máy tính. Sinh viên MST sẽ được trang bị các kỹ năng phân tích, tổng hợp và kết nối kiến thức liên ngành ứng dụng trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ là một bộ phận kết nối trong mạng lưới xã hội – công việc – ngành nghề, tăng cường sự hiểu biết và kiểm soát các quá trình sinh học theo hướng cải thiện sức khỏe của con người.
B/ Kỹ năng và Chuẩn đầu ra
- Sinh viên theo học BME sẽ được trang bị và hoàn thiện các kỹ năng sau:
- Có kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực: dụng cụ và thiết bị y tế, công nghệ hình ảnh y tế, tín hiệu y sinh và xử lý hình ảnh, cơ sinh học, vật liệu sinh học, công nghệ nano sinh học, trí tuệ nhân tạo trong y học và kỹ thuật phục hồi chức năng;
- Có kỹ năng kỹ thuật để làm việc trên các dụng cụ y tế công nghệ cao;
- Có khả năng bảo dưỡng, cải tiến và phát triển thiết bị và dụng cụ y sinh thường được sử dụng trong bệnh viện, phòng khám và trung tâm nghiên cứu y tế;
- Tích hợp kiến thức về các quy trình sinh học và kỹ thuật để đóng góp tích cực trong các ngành y sinh và/hoặc các lĩnh vực liên quan;
- Nắm bắt xu hướng phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực hình ảnh y sinh và xử lý tín hiệu y sinh, thiết bị y tế và phục hồi chức năng, trí tuệ nhân tạo và học máy trong y học hoặc phương pháp điều trị dành riêng cho bệnh nhân;
- Có tinh thần trách nhiệm cao và đạo đức nghề nghiệp trong các tình huống kỹ thuật;
- Làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả và trách nhiệm trong một tập thể cũng như vai trò độc lập.
Kết quả học tập được xây dựng theo 4 cấp độ gồm:
- Cấp 1: Xác định và giải thích các vấn đề kỹ thuật
- Cấp 2: Xây dựng quy trình để giải quyết các vấn đề kỹ thuật
- Cấp 3: Áp dụng thiết kế kỹ thuật để đưa ra các giải pháp và cải tiến kỹ thuật
- Cấp 4: Tiếp thu và áp dụng kiến thức mới trong lĩnh vực BME, đánh giá sản phẩm mới
C/ Cơ hội nghề nghiệp
Sinh viên có cơ hội tiếp cận nghề nghiệp trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thiết bị y sinh; sửa chữa, bảo dưỡng, tư vấn, quản lý tại các doanh nghiệp, nhà máy, viện nghiên cứu y sinh, phòng vật tư y tế; tiếp tục theo học các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh.
3. CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY
Cử nhân ngành MST được đào tạo theo khung chương trình Châu Âu trong 3 năm, gồm một năm đại cương và hai năm chuyên ngành, chia thành 6 học kỳ. Điều kiện tổ chức lớp cho từng chuyên ngành BMS và BME: Tối thiểu 10 sinh viên/1 chuyên ngành.
4. CHUẨN ĐẦU RA
Quy chuẩn đầu ra của chương trình được ban hành theo Điều 5 – Chương II tại Quyết định số 1292/QĐ-ĐHKHCNHN ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, xem tại đây.
5. ĐỐI TÁC CHÍNH THAM GIA ĐÀO TẠO – HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
6. THÔNG TIN LIÊN HỆ
Phòng Tuyển sinh
Tel: 0247 772 7748
Email: admission@usth.edu.vn
Địa chỉ: Phòng 102, tầng 1, tòa nhà A21, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
Hoàng Thị Thu Hiền đã bình luận
Tôi có con trai sinh năm 2003, muốn đăng ký xét tuyển vào học tại trường. Điều Tôi đang băn khoăn nhất là mức học phí thực tế hàng tháng của con nếu theo học ngành Công nghệ Y học. Rất mong được tư vấn. Tôi trân trọng cảm ơn!
admin đã bình luận
Chào chị Thu Hiền,
Mức học phí theo quy định của USTH với ngành Khoa học và Công nghệ Y Khoa sẽ là: 46.600.000 VND/năm chị nhé!
Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ:
Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
📧 admission@usth.edu.vn
📞 024 37917748/ 0888557748
quỳnh đã bình luận
chương trình học tập tại châu âu cụ thể như nào v ạ có đc xét theo diện học bổng ko ạ ?
admin đã bình luận
Chào em,
Vào học kỳ 2 của năm 3 chương trình cử nhân, sinh viên USTH có cơ hội đi thực tập tại Pháp và 1 số quốc gia phát triển. Thông tin về học bổng sẽ được công bố hàng năm khi các em nộp hồ sơ đi thực tập em nhé!